Máu là gì? Vai trò nhiệm vụ của máu trong cơ thể? Có mấy nhóm máu chính?

 Máu là gì? Vai trò nhiệm vụ của máu trong cơ thể? Có mấy nhóm máu chính?

{tocify} $title = {Mục lục bài viết}

1. Máu là gì?

Máu là một dịch lỏng gồm nhiều tế bào chảy trong hệ thống tuần hoàn. Thể tích máu ở người trưởng thành là 5-6 lít ở nam giới và 4,5-5,5 lít ở nữ giới, chiếm trọng lượng 6-8% cơ thể. Máu gồm các tế bào như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và huyết tương.

2. Máu được sinh ra từ đâu?

Nguồn gốc của các tế bào máu là các tế bào gốc sinh máu vạn năng có trong tủy xương, đó là những tế bào có khả năng sinh sản trong suốt cuộc đời. Một phần những tế bào được giữ lại trong tủy xương để duy trì nguồn cung cấp tế bào gốc, phần lớn hơn sẽ biệt hóa để tạo ra các dòng khác nhau của các tế bào máu gọi là các tế bào gốc biệt hóa. Các tế bào gốc sẽ biệt hóa qua nhiều giai đoạn để trở thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu trưởng thành.

3. Cấu tạo các thành phần trong máu:

Các thành phần của máu.

3.1 Hồng cầu

 Hồng cầu có hình đĩa lõm hai mặt, đường kính trung bình khoảng 7,5µm, chiều dày 1µm ở trung tâm và 2µm ở ngoại vi. Cấu trúc lõm này giúp hồng cầu di chuyển linh hoạt trong các mạch máu. Thành phần quan trọng nhất trong hồng cầu là Hemoglobin. Quá trình sản sinh hồng cầu chịu sự điều hòa của Erythropoietin, một hormone được sinh ra từ thận.

 Số lượng hồng cầu bình thường trong máu ngoại vi là: 5,05±0,38 T/l (x1012 tế bào/ lít) ở nam giới và 4,66±0,36 T/l(x1012 tế bào/ lít) ở nữ giới.

Trung bình hồng cầu tham gia vòng tuần hoàn đảm nhiệm chức năng của mình trong 120 ngày. Sau đó hồng cầu sẽ chết đi ở Gan và Lách.

3.2 Bạch cầu

Là những tế bào có chức năng chống lại các tác nhân lạ (như vi khuẩn, vi rút,...) đi vào cơ thể nhằm bảo vệ cơ thể. Người ta phân loại bạch cầu thành: Bạch cầu hạt và Bạch cầu không hạt. Bạch cầu hạt lại được chia thành Bạch cầu trung tính, Bạch cầu ưa acid, Bạch cầu ưa base. Bạch cầu không hạt thì gồm 2 loại là Bạch cầu Mono và Bạch cầu Lympho.

Tuổi thọ của bạch cầu từ 1 tuần đến vài tháng tùy theo tuổi thọ của nó.

3.3 Tiểu cầu

Là những mảnh tế bào không có nhân, hình đĩa, đường kính khoảng 2-4µm, có màng bao bọc. Tiểu cầu là một cấu trúc rất hoạt động và đóng vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu. Số lượng tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi dao động từ 150-300 G/l, trong đó: nam : 263,0± 61 G/l, nữ: 274,0± 63,0 G/l.

Tuổi thọ của tiểu cầu từ 7 đến 10 ngày.

3.4 Huyết tương

Huyết tương là phần chất lỏng nội mạch của chất lỏng ngoại bào (tất cả chất lỏng bên ngoài tế bào của cơ thể). Nó chủ yếu là nước (lên đến 92% thể tích), và chứa các protein hòa tan quan trọng (6–8%) (ví dụ: albumin huyết thanh, globulin và fibrinogen),glucose, các yếu tố đông máu, chất điện giải (Na+, Ca2+, Mg2+, HCO3-, Cl-, v.v.), hormon ,carbon dioxide  (huyết tương là môi trường chính để vận chuyển sản phẩm bài tiết).Huyết tương khỏe mạnh có màu vàng dễ nhìn thấy được khi để máu lắng xuống tự nhiên hoặc quay li tâm.


4. Chức năng của máu 

Máu có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể và đóng vai trò sống còn của cơ thể.

  • Chức năng vận chuyển: máu tham gia vận chuyển các  phân tử glucose, acid amin, acid béo, các chất điện giải và nước được hấp thu từ ống tiêu hóa cung cấp cho các mô khác. Máu lấy oxy từ phổi mang đến các mô, đồng thời lấy carbon monoxide (CO2) sản phẩm của hô hấp tế bào đưa đến phổi để thải ra ngoài. Máu vận chuyển hormon và các chất dẫn truyền từ nơi sản xuất đến cơ quan đích.

Quá trình chuyển hóa trong cơ thể sẽ  sản xuất ra một lượng nhiệt lớn,máu sẽ  vận chuyển nhiệt từ bên trong cơ thể đến da và đường hô hấp để khuếch  tán nhiệt ra ngoài.

  • Máu duy trì sự ổn định của pH và áp lực thẩm thấu của dịch ngoại bào: dịch ngoại bào trong cơ thể luôn được duy trì ổn định trong khoảng từ 7.35 đến 7,45 nhờ trong máu có các hệ thống đệm. Các hệ thống đệm này chuyển các acid, base mạnh thành các acid, base yếu hơn. Máu cũng vận chuyển các chất có tính acid và base mạnh đến các cơ quan bài tiết.

  • Các protein của huyết tương do không qua được thành mao mạch, tạo ra một áp suất thẩm thấu gọi là áp suất keo. Áp suất keo ảnh hưởng lớn đến áp lực thẩm thấu của dịch ngoại bào do đóng vai trò quan trọng trong sự vận động của nước giữa máu và dịch kẽ.

  • Máu có chức năng bảo vệ cơ thể do một số tế bào máu có khả năng thực bào, giúp tiêu hóa và khử độc các chất lạ, chất lạ và vi khuẩn. Một số tế bào máu có khả năng sinh kháng thể để trung hòa chất độc từ tác nhân lạ, trong khi một số tế bào khác và protein huyết tương có vai trò quan trọng trong quá trình cầm máu giúp bảo vệ cơ thể.

5. Có bao nhiêu nhóm máu ?

    Hiện nay trên thế giới có khoảng 30 hệ nhóm máu khác nhau của hồng cầu với 300 kháng nguyên. Tuy nhiên chúng ta thường chỉ dùng 2 hệ nhóm máu phổ biến đó là hệ thống nhóm máu ABO và hệ thống nhóm máu Rh.

6. Hệ thống nhóm máu ABO

Được tìm ra lần đầu tiên vào năm 1901 bởi Karl Landsteiner, ông phát hiện ra sự có mặt của các kháng nguyên A và B trên màng hồng cầu và các kháng thể tương ứng anti A và anti B trong huyết tương. Dựa vào sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên A và B người ta phân ra 4 nhóm máu chính:

Hệ nhóm máu AOB và Rh 

Nhóm O
: Không có kháng nguyên A và B trên hồng cầu

Nhóm B: Có kháng nguyên B trên hồng cầu

Nhóm AB: Có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B trên hồng cầu.

Ở người Việt Nam, nhóm máu O chiếm ưu thể với khoảng 45% dân số, tiếp theo là nhóm máu B chiếm 28,3%, nhóm máu A chiếm 21,2% và nhóm máu AB chiếm 5,5%.

Hiện nay chưa có nhiều chứng minh khoa học để xác định rằng nhóm máu có quyết định đến tính cách con người hay không ?

7. Hệ thống nhóm máu Rh

   Được tìm ra vào năm 1940 bởi Lansteiner và các cộng sự.Hầu hết các kháng nguyên Rh (được ký hiệu bằng các chữ C,D,E,c,d,e) là kháng nguyên yếu, trừ kháng nguyên D.         

Người có kháng nguyên D trên hồng cầu được gọi là người có Rh dương tính (Rh+), người không có kháng nguyên D trên hồng cầu được gọi là Rh âm tính (Rh-). 

Kháng thể anti D bình thường không có trong huyết tương của cả người Rh+ và Rh-. Khi truyền máu Rh+  cho người Rh- thì người Rh- sẽ sản xuất ra kháng thể anti D, sự tạo thành kháng thể này xảy ra chậm và thường chỉ đạt nồng độ tối đa sau 2-4 tháng. 

    Nếu những người Rh- này lần sau lại tiếp tục nhận máu Rh+ thì các kháng thể anti D có sẵn trong cơ thể họ sẽ làm ngưng kết hồng cầu (xảy ra hiện tượng tán huyết). Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm, nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh đặc biệt là ở những người phụ nữ có nhóm máu Rh (-) khi mang thai.

 Chính vì thế mà chúng ta nên cần biết nhóm máu của mình là gì để phòng tránh những tai biến không đáng có xảy ra.

8. Các vấn đề thường gặp đối với máu.

  • Một số rối loạn lâm sàng về máu có thể kể đến như: bệnh thiếu máu, bệnh đa hồng cầu, bệnh Leukemia, bệnh giảm bạch cầu, Hemophilia, bệnh giảm tiểu cầu, hội chứng thiếu yếu tố đông máu do thiếu hụt vitamin K, chứng huyết khối, chứng đông máu rải rác trong huyết quản,…

  • Bệnh thiếu máu là một bệnh gặp khá phổ biến. Thiếu máu được định nghĩa là sự giảm khả năng vận chuyển oxy máu do giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm số lượng Hemoglobin trong hồng cầu hoặc giảm cả hai. Do khả năng vận chuyển oxy của máu giảm, người bệnh dễ bị mệt mỏi, thở nhanh, khó tập trung vào công việc, đặc biệt là công việc trí óc. Những nguyên nhân thiếu máu là do thiếu sắt, mất máu cấp (do các bệnh như trĩ, rong kinh, chảy máu đường tiêu hóa,…), do suy tủy, do hội chứng nguyên hồng cầu khổng lồ (thiếu máu ác tính),… Để biết mình có bị thiếu máu hay không ta chỉ cần xét nghiệm công thức máu đối chiếu các chỉ số để biết mình có thiếu máu hay không?

  • Ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu cùng chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp cơ thể tránh được những vấn đề về sức khỏe liên quan đến máu trong cơ thể.

Bài viết được viết dựa trên nhiều tài liệu khoa học sưu tầm mang tính chất tham khảo bổ sung kiến thức. Nếu có vấn đề về sức khỏe hãy liên hệ trực tiếp đến các trung tâm, đơn vị cung cấp dịch vụ Y Tế để được giải đáp tốt nhất cho tình trạng của bạn.

Cre : Y Sỹ Nguyễn Công Dương


Nguyễn Công Dương

Nguyễn Công Dương – Hành trình tìm kiếm và tạo dựng giá trị. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nuôi dưỡng niềm đam mê đặc biệt với ngành Y. Trải qua quá trình học tập và làm việc, tôi trở thành Y Sĩ Đa Khoa, từng công tác ở nhiều vị trí tại các phòng khám, bệnh viện và trực tiếp tham gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hiện tại, tôi đang hoạt động trong lĩnh vực nha khoa, không chỉ tập trung vào điều trị mà còn hướng đến việc nâng cao nhận thức về sức khỏe răng miệng – một yếu tố quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ trong chăm sóc sức khỏe tổng thể. Trong quá trình làm việc, tôi nhận ra mối liên hệ chặt chẽ giữa tâm lý học con người và kinh tế quản trị. Việc hiểu rõ hành vi, tư duy và động lực của con người không chỉ quan trọng trong y khoa mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong quản trị, vận hành và phát triển bền vững. Đây là chủ đề khiến tôi hứng thú và mong muốn khám phá sâu hơn. Chính vì vậy, tôi quyết định xây dựng một nền tảng chia sẻ kiến thức về Y tế - Kinh tế - Tâm lý học con người, không chỉ nhằm cung cấp thông tin hữu ích mà còn góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng. Đây cũng là hành trình tôi theo đuổi để khám phá và định hình giá trị của chính mình.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn